Các trạm kiểm dịch nhanh kiểu "lái xe tạt qua" đang được thiết lập trên các tuyến phố ở Hàn Quốc, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm virus. "Tôi chọn đến xét nghiệm tại một trạm kiểm dịch nhanh như vậy vì không muốn tiếp xúc với người khác" Kim Je Hye, một người dân sống tại Daegu cho biết.
Trạm kiểm dịch nhanh kiểu "lái xe tạt qua" tại Hàn Quốc. Ảnh: AP |
Shin Hee Jun, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Soonchunhyang ở Bucheon (phía tây Seoul) giải thích, sáng kiến trạm kiểm dịch nhanh kiểu "lái xe tạt qua" lấy cảm hứng từ một cuộc diễn tập chống khủng bố, gồm công tác phân phối thuốc men và vật dụng y tế cho người dân. Ông là một trong những chuyên gia tham gia dự án nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) vào năm 2018 và đã thảo luận về ý tưởng trạm kiểm dịch nhanh.
"Mục tiêu của hệ thống kiểm dịch kiểu này tiết kiệm thời gian và giảm rủi ro lây nhiễm chéo trong khu vực xét nghiệm", bác sĩ Shin nói. "Tôi cho rằng ý tưởng về phòng khám sẽ không thu hút được nhiều sự chú ý đến vậy nếu không có hàng loạt ca nhiễm Covid-19 tại Daegu. Tuy nhiên, trong tình trạng báo động của dịch bệnh, nó đã trở thành một công cụ quan trọng".
Theo các quan chức Hàn Quốc, mỗi trạm kiểm dịch nhanh có thể thu thập mẫu của sáu người mỗi giờ, nhanh gấp ba lần so với phòng xét nghiệm virus corona thông thường. Cho đến nay, nước này đã thiết lập khoảng 50 trạm kiểm dịch nhanh kiểu "lái xe tạt qua" và dự kiến mở rộng ở nhiều thành phố lớn.
Jeffrey Jones, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Hàn Quốc (AMCHAM) gọi hệ thống kiểm dịch nhanh của Hàn Quốc là "cách tiếp cận sáng tạo". Ian Bremmer, nhà sáng lập Eurasia Group, đã đăng tải hình ảnh trạm kiểm dịch "lái xe tạt qua" trên Twitter kèm theo nhận xét "đổi mới sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi".
Một ứng dụng hỗ trợ tự chẩn đoán và báo cáo tình trạng theo thời gian thực trên smartphone. Ảnh: Yonhap News |
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc đã phát triển một ứng dụng trên smartphone cho phép chính quyền các thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Ứng dụng ra mắt hôm nay (7/3), hoạt động dựa trên dữ liệu định vị GPS và gửi cảnh báo nếu những người này rời khỏi khu vực cách ly. Phần mềm hỗ trợ cả tiếng Anh và tiếng Trung để du khách nước ngoài cũng có thể sử dụng.
Tháng trước, chính quyền thành phố Seoul đã yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc, Hong Kong và Macao tải xuống smartphone một ứng dụng hỗ trợ tự chẩn đoán và báo cáo tình trạng sức khỏe theo thời gian thực.
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 20/1, nhiều công cụ trực tuyến góp phần giúp người Hàn Quốc cập nhật kịp thời diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, dịch vụ bản đồ số như Corona Map (coronamap.site), Coronamap Live (coronamap.live) hay Corona Nearby (corona.nearby.com) đã nhanh chóng trở nên phổ biến.
Corona Map hiển thị nơi bệnh nhân Covid-19 đã đến và số lượng người bị ảnh hưởng. Nhà phát triển đánh dấu trên bản đồ bằng dịch vụ dịch thuật ba màu (xanh lá cây, vàng và đỏ) để cảnh báo người dùng về rủi ro khi tới những địa điểm đó.
Các dịch vụ bản đồ số cảnh báo virus corona phát triển nở rộ tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap News |
Khu vực màu đỏ đã xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, màu vàng và xanh lá cây là nơi bệnh nhân đã đến lần lượt trong tám và hơn chín ngày.
Ngoài ra, các nhà chức trách nước này còn sử dụng drone để khử trùng các khu vực có người nhiễm Covid-19. "Drone phun thuốc khử trùng có thể bao phủ một khu vực rộng lớn trong thời gian ngắn, cũng như không cần nhiều kỹ thuật viên vận hành. Điều này đã phát huy hiệu quả trong công tác khử trùng virus corona", một quan chức Hàn Quốc cho biết.
Việt Anh (theo Yonhap )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét